Những điều cần biết khi ăn trứng gà. Trứng gà là một món ăn bổ dưỡng, là một trong những thực phẩm được sử dụng thường xuyên của mọi người, mọi gia đình. Trong trứng gà có một lượng lớn vitamin A, D, E, B1, B6, B12,… Ngoài ra, còn phải kể đến canxi, mangiê, sắt và kẽm… Ngoài ra, nguồn protein trong trứng rất dồi dào và các loại axit rất cần thiết cho hệ miễn dịch.
Cấu tạo của trứng, về cơ bản được chia làm 4 bộ phận, lòng đỏ, lòng trắng, màng vỏ và vỏ trứng. Đối với gà, lòng đỏ chiếm khoảng 31,9% khối lượng, lòng trắng là 55,8%, vỏ cứng là 11,9% và màng vỏ là 0,4%.
Phân tích thành phần dinh dưỡng trứng gà cho thấy, trong 100g trứng gà nấu chín chứa 1,12g cacbonhydrat, 10,6g chất béo, 12,6g protein, 0,66mg vitamin B1, 0,5g vitamin B2, 50mg canxi, 1,2mg sắt, 172 mg phốt pho, 126mg kali, 1mg kẽm và 424mg cholesterol.
Những điều cần biết khi ăn trứng gà
Vitamin D là vi chất thiết yếu để con người tiêu thụ canxi và duy trì sức khỏe cho xương. Do vậy, có thể nói trứng cùng các sản phẩm từ sữa đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loãng xương. Mặc khác trứng còn có tác dụng cải thiện sức khỏe cho tóc và móng vì trứng rất giàu chất sunfur, các vitamin, khoáng chất. Đối với người hoạt động trí óc thì trứng là một loại thực phẩm tuyệt vời bởi vì trong lòng đỏ trứng cũng rất giàu axetylcholin, chất dẫn truyền thần kinh quan trọng tham gia vào nhiều chức năng của não bộ. Vì vậy, ăn trứng giúp tăng cường trí nhớ, rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ, nhất là sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ.
Tìm hiểu về lòng trắng trứng
Thành phần của lòng trắng trứng gà phần lớn là nước, chất đạm, chất béo và ít khoáng chất. Lòng trắng trứng chứa nhiều methonine nhằm bổ sung cho lượng axit amin của trứng được cân bằng. Riêng lòng trắng trứng có tác dụng chống lão hóa, tăng cường lực và độ dẻo dai cho cơ bắp.
Lòng trắng trứng là một chất gel trong suốt bao quanh trung tâm lòng đỏ của trứng. Lòng trắng trứng có chứa hơn một nửa protein của trứng và chứa calo tối thiểu. Ngoài ra, hầu hết các chất dinh dưỡng của trứng chẳng hạn như niacin, riboflavin, kali và magiê, đều nằm trong lòng trắng trứng. Lòng trắng trứng được dùng làm thành phần quan trọng cho các loại bánh. Lòng trắng trứng thích hợp với những người thích ăn trứng nhưng lại không muốn “nạp” chất béo ở lòng đỏ trứng gà vào cơ thể.
Chất dinh dưỡng trong lòng trắng trứng
Một lòng trắng trứng có chứa 16 calo, 4gr protein, và ít hơn 1gr carbohydrate và chất béo, trong khi một quả trứng có chứa 78 calo, 6gr protein, 5,3gr chất béo, và ít hơn 1gr carbohydrate. Phần lớn các chất béo và calo được chứa trong lòng đỏ, do đó nếu muốn giảm cân và xây dựng cơ bắp thì chỉ ăn lòng trắng trứng sẽ tốt hơn ăn cả quả trứng. Lòng trắng trứng tráng vừa ngon vừa dinh dưỡng, tốt hơn cả các món trứng tráng trứng truyền thống, sử dụng hai lòng trắng trứng có thể tiết kiệm được 121 calo và 10gr chất béo.
Trong lòng trắng trứng có chất Avidine. Chất này đi vào cơ thể người có thể làm cho vitamin H (Biotine) mất hoạt tính. Cơ thể bị thiếu Vitamin H gây nên các bệnh như viêm lưỡi, viêm da dạng vẩy cá, đau cơ bắp, mất ngủ, buồn nôn, mửa, giảm hồng cầu. Khi nấu chín thì lòng trắng trứng sẽ mất yếu tố Avidine, lúc ấy lòng trắng trứng mới là chất bổ dưỡng cho cơ thể, chỉ kém lòng đỏ trứng một ít.
Dị ứng
Trường hợp bị dị ứng trứng tuy không phổ biến nhưng không phải là không có. Bên cạnh dị ứng bơ, đậu phộng và sữa, có tới 1,5% người trưởng thành mắc chứng dị ứng trứng. Tuy nhiên, theo thời gian, rất nhiều người bị dị ứng trứng dần dần khỏi hẳn. Các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng trứng bao gồm phát ban da và viêm da.
Trứng thường hay tạo ra dị ứng và dễ bị ngộ độc trong trường hợp không nấu chín. Các dị ứng của trứng gà là do chất Albumin (Prôtêin không bền với nhiệt, tức sẽ bị phá huỷ bởi nhiệt) và Ovomucoid (Prôtêin bền với nhiệt). Dị ứng với Prôtêin trứng gà thường xảy ra cho 5% trẻ. Loại dị ứng này cũng có thể mạnh và nặng như dị ứng với sữa bò. Tuy nhiên may mắn là dị ứng với trứng gà không phải bao giờ cũng gây hậu quả trầm trọng. Nói chung nó thường gây eczema hay mày đay. Cần lưu ý là lòng trắng trứng khó hấp thụ, khó tiêu hóa nên cần chế biến thật chín.
Tác dụng phụ của lòng trắng trứng
Không nói đến dị ứng, nếu tiêu thụ lòng trắng trứng ở mức trung bình vừa phải thì thường không tạo ra tác dụng phụ. Còn nếu ăn số lượng lớn của lòng trắng trứng thì có thể gây táo bón trên và khiến cơ thể đầy hơi khó chịu. Để giảm thiểu rủi ro này mà không lo cơ thể bị thiếu protein thì điều quan trọng là thay đổi nguồn của protein trong chế độ ăn uống, có thể chuyển sang tiêu thụ các nguồn khác, chẳng hạn như cá, thịt gà, thịt bò và các loại đậu.
Tìm hiểu về lòng đỏ trứng
Tỷ lệ tương quan giữa thành phần dinh dưỡng của trứng gà rất cân đối. Lòng đỏ trứng gà chứa 13,6% chất đạm, 28,9% chất béo và 1,6% chất khoáng. Lượng chất đạm (Protit) trong trứng chiếm 12-14% (khoảng từ 6-8gam), có đầy đủ các axit amin cần thiết thích hợp với nhu cầu cơ thể. Lượng chất béo (Lipit) trong trứng chiếm từ 11-13% (khoảng từ 5-7 gam), tập trung ở lòng đỏ, phần lớn là axit béo không no.
Trứng còn cung cấp nhiều nguồn vitamin nhóm B, A, D và caroten, giàu phot-pho, có lượng canxi thấp nhưng lại đồng hóa tốt, có nhiều lưu huỳnh và một số chất vi lượng khác. Lòng đỏ trứng chứa 1,8% cholesterol (khoảng 0,20 gam), nhưng lại chứa 8,6% lecitin (khoảng 2,4 gam). Trứng là nguồn thực phẩm động vật duy nhất chứa lecitin- cao hơn nhiều so với cholesterol.
Một quan niệm khá phổ biến cho rằng trong trứng có nhiều cholesterol có hại cho người dư mỡ máu. Thực tế không phải như vậy, các nghiên cứu trên toàn thế giới cho thấy có rất ít bằng chứng về mối liên quan giữa việc ăn nhiều trứng với bệnh tim mạch. Lượng chất lecitin cao trong trứng đóng vai trò tăng vận chuyển điều tiết lượng cholesterol trong máu.
Chất lecithin trong lòng đỏ trứng có đặc tính kết hợp với chất béo để thấm qua thành ruột vào máu đi nuôi cơ thể, làm hạn chế lượng cholesterol tăng trong huyết tương. Protein trong lòng đỏ trứng gà chứa các axit amin toàn diện nhất. Chất lecithin trong trứng có tác dụng trong quá trình tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động của gan, hạn chế nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch do cholesterol gây ra.
Vỏ trứng gà có thật nhẵn lì?
Thật ra vỏ trứng có đến … 7.000 lỗ nhỏ li ti. Từ các lỗ này, khí ôxy của không khí sẽ thấm vào và khí cacbonic thải ra trong thời gian ấp trứng. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập qua những lỗ này. Suốt thời gian 21 ngày ấp trứng, cái phôi của gà hấp thụ từ 4-4,5 lít ôxy và thải ra 3-4 lít cacbonic. Nếu không ấp thì sau 2 tháng bảo quản trứng giảm đi tới 15- 20% trọng lượng do sự bay hơi của hơi nước qua các lỗ trên vỏ trứng.
Màu vỏ trứng khác nhau do đâu?
Màu vỏ trứng phụ thuộc vào giống gà. Chẳng hạn trứng gà giống Leghorn của Mỹ có vỏ màu trắng, trứng gà giống Isabrown hoặc Lohman của Pháp có vỏ màu nâu, lại gà giống ở miền Nam nước Pháp có vỏ trứng màu chocolat. Theo chuyên gia Jean- Jacques- Matines- Mas d’Auge, màu vỏ trứng không ảnh hưởng gì đến chất lượng của trứng. Cẩn thận khi vỏ trứng có đốm hay bị nứt để tránh bị ngộ độc thực phẩm.
Công dụng của trứng gà
Thành phần dinh dưỡng của trứng gà đặc biệt như vậy nên trứng gà có tác dụng đối với sức khoẻ như sau:
Bảo vệ não, tăng cường trí nhớ
Chất phốtpho và cholesterol trong lòng đỏ trứng gà có tác dụng rất lớn đến hệ thần kinh trung ương và sự phát triển của cơ thể. Sau khi phốtpho trong trứng được hấp thu, cơ thể sẽ phóng ra chất kiềm có tác dụng tăng cường trí nhớ.
Bảo vệ gan
Protein trong trứng gà có tác dụng khôi phục một số thương tổn trong tổ chức gan. Chất béo, phốtpho trong lòng đỏ trứng có tác dụng tái sinh tế bào gan, nâng cao lượng protein ở dạng huyết tương, tăng cường sự trao đổi chất và khả năng miễn dịch cơ thể.
Đề phòng ung thư
Trong trứng gà có nhiều vitamin B2 có thể phân giải và ôxy hóa phần nào các chất có nguy cơ gây ung thư trong cơ thể người.
Trứng rất tốt cho sức khỏe nếu biết ăn đúng và đủ
Xét theo mức độ oxy hóa và mức độ chịu nhiệt của cholesterol, sẽ sắp xếp sự khỏe mạnh cho cơ thể do cách nấu trứng đem lại như sau: Hạng A: hấp; hạng B: canh trứng, hạng C: trứng tráng.
Trẻ em, phụ nữ mang thai, cho con bú và những người có lượng vận động lớn có thể ăn 1-2 quả trứng mỗi ngày. Người lớn bình thường, người cao tuổi mỗi ngày ăn 1 quả là được. Những người mỡ máu bất thường hoặc béo phì, mỗi tuần ăn 2-4 quả là vừa.
Hiệp hội dinh dưỡng khuyến cáo người lớn nói chung, lượng cholesterol nạp vào mỗi ngày không quá 300mg, người mỡ máu cao cần khống chế dưới 200mg. Một quả trứng gà 50g có hàm lượng cholesterol tới 290mg.
Thực tế sự hợp thành mỗi tế bào trong cơ thể đều cần đến cholesterol. Để cung ứng đầy đủ, người lớn mỗi ngày cần tổng hợp trên 1000mg cholesterol, vì vậy, người tiêu dùng không phải lo lắng về việc tiêu thụ trứng hàng tuần.
Nhưng muốn có sức khỏe tốt nhất chúng ta nên ăn đa dạng, đủ và đúng cách các loại thực phẩm an toàn và bổ dưỡng theo nhu cầu và khả năng hấp thu của cơ thể mỗi người.
(Có sự khác biệt lớn giữa việc “ăn không sao” và “ăn tốt” cho sức khỏe đúng không các bạn? Chính vì vậy mà hoan nghênh các bạn đã chịu khó đọc bài nghiên cứu này!)
Trứng là loại thực phẩm dễ tiêu hóa, có thể bổ sung tốt cho khẩu phần ăn của mọi người, kể cả trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi trở lên. Sau khi ăn trứng gà, tốt nhất nên ăn những loại rau và hoa quả có chứa vitamin C phong phú để tăng sự hấp thụ sắt, không nên uống nước chè sau khi ăn trứng gà vì chất tanin làm giảm sự hấp thụ sắt, protein, canxi.
Trứng sống có thể chứa nhiều vi khuẩn Salmon (vi khuẩn dạng que)?
Điều này đúng. Mặc dầu thống kê cho thấy trong 1.000 quả trứng chỉ có một quả có vi khuẩn nguy hiểm này, có thể gây viêm ruột cấp. Vì vỏ trứng có nhiều lỗ nhỏ li ti nên không khí và vi khuẩn có thể xâm nhập.
Chỉ trong một quả trứng có đến 7.000 vi khuẩn gây độc, nó xuất phát từ gà mái một phần và môi trường thiếu vệ sinh. Uỷ ban Sức khoẻ Anh Quốc khuyến cáo người tiêu dùng không nên ăn trứng sống dù bất cứ hình thức nào. Nếu trứng để càng lâu ở những nơi chưa khử trùng thì trứng càng bị ô nhiễm. Vì vậy ở các nước công nghiệp phát triển, trứng gà bán ra thị trường phải ghi ngày đẻ.
Bị cảm sốt có ăn trứng rán được không?
Khi bị cảm sốt, năng lượng ở cơ thể bị tiêu hao nhiêu, sức đề kháng sẽ giảm, không ăn được thứ gì nên bị thiếu dinh dưỡng, nên bổ sung những thức ăn có protein tương đối cao như trứng gà… sẽ rất có ích cho phục hồi cơ thể. Chuyên gia khuyến cáo tốt nhất nên ăn trứng hấp, canh trứng, không nên ăn trứng rán bởi đồ án dễ sinh vị nhiệt (dạ dày nóng), khó tiêu.
Trứng gà nhỏ dinh dưỡng tốt hơn?
Nhiều người tiêu dùng cho rằng trứng gà nhỏ hoặc vỏ trứng có màu sẫm sẽ có giá trị dinh dưỡng tốt, song Phạm Chí Hồng cho biết, trứng gà to nhỏ và màu vỏ trứng chưa hẳn có liên quan đến giá trị dinh dưỡng. Còn có những người lại cho là trứng gà ta có giá trị dinh dưỡng cao hơn trứng gà công nghiệp.
Thực ra xét về giá trị dinh dưỡng, sự khác biệt giữa chúng không lớn, hàm lượng phospholipid và acid béo omega 3 trong trứng gà ta cao hơn trứng gà công nghiệp, nhưng hàm lượng chất khoáng thì lại thấp hơn một chút. Tuy nhiên, xét về an toàn thực phẩm, thì gà ta chạy lung tung, ăn tạp nên không an toàn bằng gà công nghiệp.
Giữ trứng gà được trong bao lâu?
Hạn bảo quản ghi trên bao bì trứng gà là 54-60 ngày, vì thế rất nhiều người yên tâm để trứng hàng tháng. Song chuyên gia nhắc nhở, trứng gà để lâu không những mang lại ẩn họa về độ an toàn, mà độ dinh dưỡng cũng kém đi. Trứng gà tươi trong vòng 1 tuần là tốt nhất, nhưng nếu không có điều kiện thì để trong vòng nửa tháng cũng được.
Bảo quản trứng như thế nào?
Nên giữ trứng ở nhiệt độ 2-4 độ C. Cần phải đảm bảo cho trứng có đủ không khí, tốt nhất nên để các quả trứng không chạm vào nhau. Đặt đầu nhọn của chúng xuống dưới, để lòng đỏ nằm xa phần không khí ở đầu kia của quả trứng điều này cho phép giữ trứng khá lâu và tươi hơn. Có thể giữ trứng trong tủ lạnh từ 3-4 tuần, nhưng đừng quên rằng trứng hút được mùi.
Để đánh giá độ tươi của trứng, bạn đặt nó trong một hũ nước, trứng càng bồng bềnh thì càng ít tươi. Vì sao? – Ở đầu nhỏ quả trứng có buồng khí, nó càng nhỏ thì trứng càng tươi. Cũng có thể biết được trứng có tươi không, bằng cách đập nó ra cho vào chảo: nếu lòng trắng còn bao quanh lòng đỏ là trứng còn tươi. Ngược lại, nếu lòng trắng trải dài ra thì chắc chắn đó là trứng cũ!
Nên ăn trứng gà như thế nào?
Trứng nên nấu chín để diệt khuẩn, một cách an toàn là đun sôi trong 7 phút khi luộc nguyên vỏ, còn khi hấp bằng cách đập bỏ vỏ nguyên cần đun trong 5 phút. Không nên luộc trứng quá 10 phút, vì khi đó trứng mất một phần các Vitamin và sẽ khó tiêu hoá.
Nếu rán trứng- đánh trứng cho dậy lên rồi đổ thành dề, để trứng chín mỗi bề mặt 3 phút. Nếu làm trứng ốp-la- đập trứng cho vào dầu nóng, lòng trắng phải chín, lòng đỏ vừa chín tới, mục đích phải đủ chín để diệt khuẩn. Ở dạng rán trứng thì giữ được Vitamin và muối khoáng có giá trị, nhưng dầu sao nấu trứng bằng hơi, không dùng mỡ, dầu thì vẫn có lợi hơn.
Trứng gà luộc lâu thì bề mặt của lòng đỏ trứng sẽ thành màu tro xanh, đó là do trong lòng đỏ trứng, li tử (iôn) sắt hoá hợp với li tử sunfát trong lòng trắng tạo ra chất sunfát sắt. Chất này rất khó hấp thụ trong cơ thể người. Do vậy trứng luộc quá lâu sẽ làm mất giá trị dinh dưỡng. Rán trứng gà không nên cho mì chính vì bản thân trứng gà có chứa chất thành phần tương đương với mì chính. Khi rán trứng mà có thêm mì chính, không những lãng phí mà còn làm mất vị ngon của trứng.
Theo các nhà dinh dưỡng học, nếu ăn trứng gà sống thì tỉ lệ hấp thụ và tiêu hóa chỉ chiếm 40%, ở trứng luộc là 100%, trứng rán chín tới 98,5%, trứng rán già 81%, trứng chưng 87,5%, trứng ốp –la 97%, do đó các nhà dinh dưỡng học khuyên tốt nhất là ăn trứng gà luộc, không những bảo đảm được chất dinh dưỡng như proten, lipit, khoáng chất… mà còn giữ được các vitamin.
Những thực phẩm không nên ăn cùng trứng gà
Thông thường, trứng gà không thể ăn cùng với đậu tương, đường trắng, thịt thỏ. Nếu ăn cùng sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng hoặc khiến cho cơ thể cảm thấy khó chịu.
– Không nên ăn trứng gà với đậu tương: Buổi sáng ăn trứng gà, uống một cốc bột đậu tương đã trở thành một thói quen của nhiều người, nhưng thực tế thói quen này là sai lầm. Trong đậu tương có chứa nhiều loại chất dinh dưỡng như protein, chất béo, đường, vitamin, khoáng chất… nếu kết hợp với trứng gà sẽ làm mất đi thành phần dinh dưỡng này.
– Không nên ăn trứng gà cùng với thịt thỏ: Hai loại thức ăn này ăn cùng nhau sẽ sinh ra phản ứng, kích thích dạ dày, dẫn đến tiêu chảy.
– Không nên ăn trứng gà cùng với đường trắng: Một số người có thói quen ăn trứng gà chấm đường. Hai thức ăn này kết hợp với nhau không chỉ khiến cho cơ thế khó hấp thu mà còn gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người.
– Không nên ăn trứng gà với hồng: Ăn hồng ngay sau khi ăn trứng là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và viêm dạ dày ruột cấp tính. Sau khi ăn 1-2 giờ, có thể dẫn tới nôn mửa. Khi đó cần ngay lập tức uống dung dịch gồm 20 g muối và 200 ml nước sôi hoặc có thể sử dụng nước ép gừng tươi trộn với nước ấm. Nếu không nôn được, cần phải uống nhiều lần để thúc đẩy nôn mửa. Sau đó, phải dùng thuốc nhuận tràng để loại bỏ các chất độc hại trong cơ thể.
– Không uống trà ngay sau khi ăn trứng gà: Rất nhiều người ăn xong trứng gà sẽ uống nước trà để bớt bứ nhưng trong lá trà có axit tannic acid, chất này kết hợp với protein trong trứng gà sẽ gây khó tiêu hoá do nhu động ruột giảm.
Ngoài ra, khi ăn trứng gà cần tránh một số điều sau đây:
– Không ăn trứng gà đã chín để qua đêm: Nếu trứng gà được luộc chín lòng đào nhưng sau khi để qua đêm thì chất dinh dưỡng trong đó sản sinh ra vi khuẩn, nếu ăn phải trứng gà biến chất như thế sẽ có hại cho sức khỏe. Do khi luộc trứng gà, protein đã bị phá hỏng, lại để qua đêm, vì vậy giá trị dinh dưỡng sẽ giảm thấp rất nhiều.
– Không dùng các loại thuốc chống viêm: Trứng rất giàu protein, trong khi các chứng viêm trong cơ thể lại liên quan đến lượng protein. Vì vậy, khi bắt đầu tình trạng viêm, cần lưu ý không uống thuốc sau khi ăn trứng. Đặc biệt là các bệnh tiêu hóa, tiêu chảy, có thể thậm chí không ăn trứng. Trứng có chứa protein sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày, ảnh hưởng đến sự hấp thu và tiêu hóa.
– Không nên ăn quá nhiều: Mặc dù giá trị dinh dưỡng của trứng gà rất cao nhưng ăn nhiều dễ gây ra dư thừa dinh dưỡng, dẫn đến béo phì, tăng thêm gánh nặng cho gan và thận.
Những người nên hạn chế ăn trứng gà (8 đối tượng sau cần lưu ý)
- Người đang cảm sốt
- Người vừa mới ốm dậy
- Người bị tiểu đường
- Người bị tiêu chảy
- Người bị sỏi mật
- Những người mắc bệnh thận
- Người mắc bệnh viêm gan
- Trẻ nhỏ dưới một tuổi
Vì những người này khả năng hấp thu kém, dễ gây rối loạn tiêu hóa, nên ăn ít trứng gà, và ăn ở dạng luộc và những dạng dễ tiêu khác. Nên ăn ít một để cơ thể làm quen và có thể hấp thu được. Cần sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng để đảm bảo nguồn đạm thiết yếu cho cơ thể.