Công dụng và giá trị dinh dưỡng của quả na như thế nào? Trái cây ăn đúng mùa mới ngon. Hoa quả của mùa thu phải nhắc đến đầu tiên là quả na – một loại quả chỉ nghe cái tên đã gợi lên không khí dịu mát của mùa thu, cái hiền lành, ngọt ngào của tình mẹ. Bạn có biết quả na – vừa là món quà thơm ngon, vừa là vị thuốc quý?
Nguồn gốc và đặc điểm của na
Na, hay còn gọi là mãng cầu ta, mãng cầu dai/giai, sa lê, phan lệ chi, là một loài thuộc chi Na (Annona) có nguồn gốc ở vùng châu Mỹ nhiệt đới. Quả na là một trong những trái cây nhiệt đới ngon nhất có nguồn gốc từ các thung lũng Andean của Peru và Ecuador. Ngày nay, loại quả vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe này đã được trồng phổ biến ở khawos thể giới.
Quả na có vị ngọt, mềm, thịt màu trắng kem, có nhiều hạt màu đen và ăn rất ngon miệng. Quả na được ví như là loại quả tổng hợp các vị của của mãng cầu, chuối, đu đủ, dâu tây, dứa… và có rất nhiều lợi ích cả về dinh dưỡng lẫn phòng bệnh.
Cây na cao cỡ 2–5 mét, lá mọc xen ở hai hàng; hoa xanh, quả tròn có nhiều múi (thực ra mỗi múi là một quả), hạt trắng có màu nâu sậm. Hạt có chứa độc tố, có tính làm bỏng da và có thể trừ sâu bọ, chấy rận.
Cây na trông từ 4-5 năm mới cho quả nên mới có thành ngữ: “Trẻ trồng na, già trồng chuối“.
Ở miền Bắc, quả na được phân thành hai loại là na dai và na bở dựa vào đặc tính của quả (sự liên kết giữa các múi với vỏ và giữa các múi với nhau).
Na dai có ưu điểm ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ,múi na nhằn dễ tróc ra khỏi hột và múi cũng dai hơn. Quả na dai có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng lại ít hạt. Thêm vào đó, na dai được ưa chuộng hơn bởi mùi thơm và vị ngọt sắc nổi bật hơn so với na bở.
Huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) được coi là “vựa na” lớn nhất cả nước, nơi này có 2 khu vực trồng na nổi tiếng: na bở ở khu vực thị trấn Đồng Mỏ và na dai khu vực Đồng Bành.
Ở miền Nam có mãng cầu dai hay còn gọi là mãng cầu Cấp (mãng cầu Vũng Tàu). Mãng cầu dai chắc, nhiều thịt, ít hột, vỏ mỏng và ngọt hơn các loại mãng cầu khác. Những quả mãng cầu Cấp có vỏ xù xì, múi không đều, không mọng, nhưng có vị thơm và ngọt sắc.
Thành phần dinh dưỡng của quả na
Trong quả có 72% glucose, 14,52% saccharose, 1,73% tinh bột, 2,7% protid và vitamin C. Trong lá có một alcaloid vô định hình, không có glucosid, lá xanh chứa 0,08% dầu. Hạt chứa 38,5-42% dầu, trong đó các acid béo (acid myristic, palmitic, stearic, arachidic, hexadecanoic và oleic) chiếm tỷ lệ lớn. Trong hạt có một alcaloid vô định hình gọi là anonain. Chất độc trong hạt và rễ là các glycerid và các acid có phân tử lớn. Lá, vỏ và rễ chứa acid hydrocyanic. Vỏ chứa anonain.
Thành phần dinh dưỡng trong 100g na ăn được: Năng lượng: 64kcal; nước: 82,5g; protein 1,6g; gluxit: 14,5g; xenluloza: 0,8g; canxi: 35mg; photpho: 45mg; vitamin C: 36mg, ngoài ra trong na chứa rất nhiều vitamin nhóm B tốt cho sức khỏe.
Quả na có vị rất ngon và nó có thể được dùng để làm sinh tố, kem hoặc thêm vào các món salad trái cây. Tuy nhiên, hạt na lại không tốt cho sức khỏe vì vậy, khi ăn phải bỏ hết hạt đi.
Quả na là một nguồn tuyệt vời của vitamin C. Một quả na trung bình có thể cung cấp 1/5 lượng vitamin C mà cơ thể cần hàng ngày. Chính nhờ giàu vitamin C mà loại quả này được coi là rất hữu ích trong việc tăng cường hệ miễn dịch của con người.
Quả na còn là nguồn cung cấp kali, chất xơ, carbohydrates, một số vitamin và khoáng chất thiết yếu nên rất có lợi trong việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Một ưu điểm nữa quả na là không chứa chất béo bão hòa và cholesterol, hàm lượng natri thấp nên rất có lợi cho những người ăn kiêng hoặc đang có ý định giảm cân.
Một quả na trung bình mà không có hạt và vỏ nặng khoảng 312g thì lượng carbohydrate chiếm khoảng 55g, 5g protein, 2g chất béo… Thành phần còn lại là nước và các chất dinh dưỡng khác.
Lợi ích sức khỏe của quả na
Danh sách các chất có trong quả na bao gồm các chất dinh dưỡng thiết yếu, chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất… Do đó, loại quả này có lợi ích sức khỏe vô cùng to lớn.
– Cải thiện chức năng tim: Sự cân bằng giữa natri và kali trong quả na đóng góp rất nhiều trong việc điều chỉnh mức huyết áp và nhịp tim. hàm lượng chất chống oxy hóa tự nhiên và vitamin C phong phú có thể giúp ngăn ngừa các gốc tự do tấn công các chất béo và do đó ngăn chặn được các cholesterol của cơ thể trở thành có hại. Vitamin C còn giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh. Tất cả những yếu tố này đều tác động tích cực đến tim và cải thiện chức năng tim.
– Giảm táo bón: Một quả na ngon và lành mạnh sẽ chứa nhiều chất xơ và chất xơ đã được chứng minh là rất có lợi cho việc tiêu hóa và bài tiết thức ăn trong cơ thể. Chính vì vậy mà quả na cũng có tác dụng làm giảm táo bón hiệu quả.
Hàm lượng chất xơ cao trong loại quả này giúp làm giảm cholesterol trong máu. Nó ngăn chặn sự hấp thu cholesterol trong ruột, từ đó, cản trở sự hình thành của các tế bào gây ung thư trong ruột kết và bảo vệ niêm mạc ruột tránh phải tiếp xúc với các chất độc hại.
– Tốt cho não bộ: Trong quả na có khá nhiều lượng vitamin B6. Loại vitamin này rất có lợi cho hoạt động của não bộ vì nó kiểm soát mức độ hóa học thần kinh GABA. Mức độ hóa học thần kinh GABA có tác dụng loại bỏ sự căng thẳng, làm dịu thần kinh dễ bị kích thích và thậm chí điều trị trầm cảm. Chính vì vậy, nếu muốn tốt cho não bộ, hãy ăn na nhiều hơn. Ngoài ra, vitamin B6 thậm chí còn được coi là để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh parkinson, do đó, quả na còn có thêm tác dụng phòng bệnh parkinson.
– Phòng bệnh ung thư: Các chất chống oxy hóa trong quả na như một số poly-phenol, asimicin và bullatacinare… được coi là có thể giúp phòng chống các bệnh ung thư, sốt rét và bệnh giun rất hiệu quả.
Ngoài ra, quả na còn có một số giá trị sức khỏe khác như bảo vệ chống lại nhiễm trùng nướu răng, tăng sự thèm ăn, cải thiện sức khỏe của da, hỗ trợ vệ sinh răng miệng, cải thiện sức khỏe răng miệng, làm giảm mệt mỏi, cải thiện sức khỏe của phổi và làm giảm cảm giác tê ở chân.
Na cũng được chứng minh là có lợi trong việc điều trị các bệnh chữa bệnh như viêm khớp, co thắt dạ dày, các vấn đề tiêu hóa, thiếu máu, tăng huyết áp, decalcification, co thắt dạ dày, tiểu đường và các vấn đề sức khỏe khác.
Công dụng của quả na
Na vừa là loại quả ngọt thơm, bổ dưỡng lại vừa là vị thuốc chữa bệnh rất tốt. Theo Đông y, quả na vị ngọt, chua, tính ấm; có tác dụng hạ khí tiêu đờm. Quả xanh làm săn da, tiêu sưng.
Quả Na dùng chữa đi lỵ, tiết tinh, đái tháo, bệnh tiêu khát. Quả Na điếc dùng trị mụn nhọt, đắp lên vú bị sưng.. Hạt Na có vị đắng, hơi hôi, tính lạnh, có tác dụng thanh can, giải nhiệt, tiêu độc, sát trùng. Hạt thường được dùng diệt côn trùng, trừ chấy rận. Lá Na dùng trị sốt rét cơn lâu ngày, mụn nhọt sưng tấy, ghẻ. Rễ và vỏ cây dùng trị ỉa chảy và trục giun.
Các bài thuốc từ cây na
– Quả na ương (hái lúc chín nửa chừng) chứa nhiều tanin, được dùng làm thuốc chữa tiêu chảy, kiết lỵ. Khi dùng, lấy 30g, thái nhỏ, bỏ hạt, sắc uống làm hai lần trong ngày.
– Quả na điếc (quả lúc đang lớn bị một loài nấm làm hỏng, khô xác, có màu nâu đỏ tím) là vị thuốc được dùng phổ biến trong Đông y. Chẳng hạn, để chữa tiêu chảy, kiết lỵ, lấy quả na điếc 20 g đốt tồn tính, ngọn non cỏ lào 50 g, gạo tẻ 30 g, rang thật vàng; sắc uống làm 3 lần trong ngày. Dùng ngoài, quả na điếc phơi thật khô, tán thành bột, hòa với giấm, bôi nhiều lần trong ngày, chữa nhọt ở vú.
– Hạt na: giã nhỏ, ngâm rượu, ngậm nhổ nước chữa đau nhức răng, nếu nước đặc ngâm quần áo diệt được rận. Hạt na có độc, không được dùng uống. Khi dùng ngoài, không để dung dịch hạt na bắn vào mắt.
– Lá na: 1 nắm rửa sạch, giã nát cùng với lá bồ công anh, đắp chữa sưng vú; nếu thêm lá ớt, lá táo, lá từ vi lại chữa mụn nhọt có mủ, đầu đinh. Lá na (10-20g) rửa sạch, giã nát, thêm nước, vắt lấy nước đem phơi sương một đêm, rồi thêm ít rượu mà uống trước khi lên cơn sốt rét khoảng hai giờ. Dùng riêng hoặc phối hợp với ngải cứu (10g), thạch xương bồ (8g), sắc uống. Dùng 5-7 ngày.
Để chữa bong gân, chạm thương, lấy lá na 20 g, quả đu đủ xanh 10 g, vôi tôi 5 g, muối ăn 5 g, tất cả giã nát, hơ nóng, đắp vào vùng tổn thương. Ngày làm một lần.
– Rễ na: cũng dùng để chữa sốt rét. Lấy 50g rễ na sắc uống với 30g rễ và lá cây ngâu rừng, 30g rễ xoan rừng. Ngoài ra, rễ na 30-50g thái nhỏ, rửa sạch, sao qua, sắc uống có tác dụng tẩy giun đũa.
Chú ý: Hạt na có độc, không được uống. Nhưng nếu khi ăn quả na, sơ ý nuốt phải hạt thì không sao, vì hạt na có vỏ dày và rất cứng bao bọc, ngăn không cho nhân hạt tác dụng.
Na có chứa lượng đường khá cao, nên mỗi khi chúng ta ăn chỉ nên ăn vừa phải để tránh thừa năng lượng gây nóng trong người.