Cây trứng cá hay còn gọi là mật sâm (danh pháp hai phần: Muntingia calabura), loài duy nhất trong chi Muntingia, là một loài thực vật có hoa có nguồn gốc ở miền nam Mexico, Caribe, Trung Mỹ và miền tây Nam Mỹ về phía nam của Peru và Bolivia.
Chi này đã từng được các hệ thống phân loại khác nhau xếp trong các họ khác nhau, như họ Đoạn (Tiliaceae) hay họ Côm (Elaeocarpaceae), nhưng trong phân loại của APG và sau này là APG II thì người ta đã tách nó ra thành một họ riêng trong bộ Cẩm quỳ (Malvales) với danh pháp Muntingiaceae cùng các chi Dicraspidia, Neotessmannia với mỗi chi này chỉ có 1 loài.
Nó là một loại cây thân gỗ nhỏ, cao khoảng 7–12 m với các cành xếp chồng lên nhau và hơi rủ xuống. Nó có các lá có mép khía răng cưa, dài 2,5–15 cm và rộng 1-6,5 cm. Các hoa nhỏ màu trắng, tạo quả khi chín có màu đỏ nhạt đường kính khoảng 1-1,5 cm. Quả ăn được, có vị ngọt và mọng nước, chứa nhiều hạt nhỏ (0,5 mm) màu vàng trông như trứng cá.
Thành phần dinh dưỡng: 100 gram quả, phần ăn được, chứa: (phân chất theo mẫu quả tại El Salvador) – Calories 78 – Chất đạm 0.324 g – Chất béo 1.56 g – Chất sơ 4.6 g – Calcium 124.6 mg – Phosphorus 84.0 mg – Sắt 1.18 mg – Carotene 0.019 mg – Thiamine 0.065 mg – Riboflavine 0.037 mg – Niacin 0.554 mg – Ascorbic acid 80.5 mg
Lá: Lá cây trứng cá chứa nhiều hợp chất như loại dihydrochalcones, flavonoids gồm các flavane, flavanone và muntingone (môt chất chuyển hóa loại flavonol). Rễ: chứa nhiềuflavonoids loại 7,8-di-O-(thay thế)-flavanes, biflavanes và flavones.
Nó là một loài cây tiên phong có thể phát triển tốt trên đất nghèo dinh dưỡng, có khả năng chịu được các điều kiện chua mặn và khô hạn. Hạt của nó được các loài chim và dơi ăn quả phát tán. Nó được trồng ở một vài nơi để lấy quả ăn, và đã hợp thủy thổ ở một số khu vực khác thuộc vùng nhiệt đới ngoài khu vực nguồn gốc bản địa, bao gồm cả ở Đông Nam Á.
Là loài cây tiên phong, nó cũng giúp cho việc cải thiện các điều kiện của đất và góp phần làm cho các loài cây khác có thể sinh sống được ở các vùng đất này. Tuy nhiên, nó cũng có thể bị coi là loài xâm hại nguy hiểm do nó có thể cạnh tranh với các loài cây bản địa.
Sử dụng:
Tại Mexico, quả của nó được thu hoạch để ăn và bán ngoài chợ. Quả có thể chế biến thành mứt và lá có thể sử dụng như một loại chè. Tại Brasil, người ta trồng nhiều cây này ven bờ sông. Quả rụng từ cây thu hút các loài cá để sau đó người ta đánh bắt chúng. Tại Philippines trẻ em cũng hay ăn quả trứng cá, mặc dù không thấy bán ngoài chợ.
Trong y học truyền thống của một số tộc người Trung Mỹ, hoa của nó có thể dùng làm chất khử trùng và điều trị chứng chuột rút ở vùng bụng.
Gỗ từ cây trứng cá có màu nâu đỏ. Nó khá rắn chắc, bền và nhẹ, có thể dùng làm đồ mộc. Nó cũng được dùng làm củi đun. Vỏ có thể dùng làm dây thừng. Do khả năng sinh sống được ở các vùng đất nghèo dinh dưỡng và khô hạn cũng như khả năng phát tán cao nên nó cũng có thể dùng làm loại cây trồng trong các dự án tái trồng rừng.
Tại Ấn Độ, người ta trồng nó trong các vườn ven đô do khả năng lớn nhanh và khả năng hấp dẫn các loài chim nhỏ ăn quả như chim sâu (họ Dicaeidae).
Tại Hà Nội, quanh bờ hồ Trúc Bạch có trồng khá nhiều cây trứng cá này.
Các nghiên cứu khoa học về trứng cá:
Hoạt tính làm dịu đau, chỉ thống của lá trứng cá: Nghiên cứu tại Khoa Dược ĐH Mara, Selangor (Malaysia) ghi nhận nước chiết (nồng độ 50%) từ lá cây trứng cá, bằng nước và chloroform có tác dụng ngăn chặn phản ứng đau nơi chuột thử nghiệm, gây đau bằng cách dùng dĩa hơ nóng (hot plate test). Hoạt tính giảm đau được cho là tác động vào hệ thần kinh trung ương, điều hòa các thụ thể loại muscarinic, alpha(1)-adrenergic, alpha(2)-adrenergic, beta-adrenergic và GABAergic. (Methods and Findings in Experimental and Clinical Pharmacology, số 29-2007).
Tác dụng chống ung thư: Nghiên cứu tại phân khoa Dược, Đại Học Illinois, Chicago ghi nhận dịch chiết bằng ethanol từ rễ của cây trứng cá có tác dụng diệt bào chống lại các tế bào ung thư P-388, hoạt tính này được cho là do ở các flavanes trong rễ. (Journal of Natural Products Ss 54-1991). Nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Tajen, Pingtung (Taiwan) ghi nhận các hợp chất chalcones ly trích từ lá cây trứng cá có hoạt tính diệt bào chống lại các tế bào ung thư loại P-388 và HT-29 ở nồng độ IC50 < 4 microg/mL (Planta Medica số 71-2005). Các dichalcones còn có hoạt tính chống ngưng tụ tiểu cầu khá rõ rệt (Planta Medica số 73-2007)
Hoạt tính hạ huyết áp: Nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Dược Khoa Pintung (Taiwan) ghi nhận hoạt tính của dịch chiết bằng methanol từ lá cây trứng cá có một số tác động trên hệ tim mạch của chuột đã bị gây tê: các tác động sinh học gồm gây giảm áp huyết ở kỳ tâm thu (liều dùng để chích qua tĩnh mạch cho chuột là 50 mg/kg), sự giảm huyết áp đầu tiên kéo dài 10 phút, và sau đó có thể kéo dài ít nhất 180 phút sau khi chích. Hoạt tính trên huyết áp này không liên hệ đến nhịp tim và các nồng độ về khí và chất điện giải trong máu. (American Journal of Chinese Medicine số 34-2006)