Trái ổi không chỉ là loại trái cây được nhiều người ưa thích mà còn là loại trái cây tốt cho sức khoẻ. Ổi là một trong những loại quả có giá trị dinh dưỡng rất cao, ổi chứa ít chất béo bão hoà, cholesterol và natri nhưng chứa nhiều chất xơ, vitamin C, A, kẽm, kali và mangan.
Theo dược học cổ truyền, lá ổi vị đắng sáp, tính ấm, có công dụng tiêu thũng giải độc, thu sáp chỉ huyết; quả ổi vị ngọt hơi chua sáp, tính ấm, có công dụng thu liễm, kiện vị cố tràng; các bộ phận của cây ổi thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tiết tả (đi lỏng), cửu lỵ (lỵ mạn tính), viêm dạ dày ruột cấp tính và mạn tính, thấp độc, thấp chẩn, sang thương xuất huyết, tiêu khát (tiểu đường), băng huyết…
Các bộ phận của cây ổi như búp non, lá non, quả, vỏ rễ và vỏ thân đều được dùng để làm thuốc. Nghiên cứu dược lý cho thấy dịch chiết các bộ phận của cây ổi đều có khả năng kháng khuẩn, làm săn se niêm mạc và cầm đi lỏng.
Hàm lượng dinh dưỡng trung bình trong 100 gam quả ổi: 1 gam protein, 15 mg canxi, 1 mg sắt, 0,06 mg retinol (200-400 I.U vitamin A), 0,05 mg thiamin (vitamin B1) và hơn 200 mg axit ascorbic (vitamin C). Hàm lượng vitamin C cao trong quả ổi hơn đáng kể so với trong cam. Quả ổi cũng giàu pectin, Xơ tiêu hóa: 2,8-5,5 g.
Theo một tài liệu khác, quả ổi chứa 77,9% nước, 0,9% protein, 0,3% lipit, 15 %cacbohydrat, 0,3% axit hữu cơ, 0,5% tro, 0,03 mg% vitamin B1, 0,03 mg% vitamin B2, 0,2 mg% vitamin PP, 50 –60 mg% vitamin C. Các loại đường trong quả ổi gồm 58,9% fructoza, 35,7% glucoza, 5,3% saccaroza. Các axit hữu cơ chính là axit citric và axit malic.
“Bạn tốt” của hệ tiêu hóa
Do ổi chứa rất nhiều tác nhân làm se, nhờ đó có tác dụng hỗ trợ đường ruột yếu ớt khi bị tiêu chảy. Những tác nhân làm se này có tính kiềm tự nhiên và thêm chức năng kháng khuẩn, tẩy uế, nhờ đó có tác dụng chữa lỵ bằng cách ức chế sự tăng trưởng của các loại vi sinh vật và loại bỏ những chất nhầy thặng dư trong ruột.
Bên cạnh đó, những chất dinh dưỡng có trong ổi như vitamin C, carotenoids có tác dụng bồi dưỡng hệ tiêu hóa. Ổi còn kiêm luôn chức năng hỗ trợ ruột và dạ dày trong trường hợp những bộ phận này bị viêm nhiễm.
Ổi cũng rất giàu chất xơ, hạt ổi còn “phục vụ” hệ tiêu hóa như là một chất nhuận trường, do đó ăn ổi sẽ giúp ruột giữ nước, làm sạch hệ tiêu hóa và các dịch bài tiết.
Giảm ho
Nước ép trái ổi hoặc nước sắc lá ổi rất có lợi trong việc làm giảm ho, trị cảm, đồng thời có tác dụng “dọn dẹp” hệ hô hấp. Thịt quả ổi chứa rất nhiều vitamin và sắt, nhờ đó có tác dụng ngăn ngừa bệnh cảm và các trường hợp bị nhiễm siêu vi.
Đẹp da
Chất xơ của ổi có thể hòa tan, giúp cho da luôn sáng đẹp tự nhiên. Vì có tính kháng khuẩn cao, ổi giúp ngăn ngừa một số bệnh lý về da như bệnh vảy nến, chàm, phát ban.
Theo các nhà dinh dưỡng, khi ăn ổi, nên ăn cả vỏ, sau khi đã rửa thật sạch, vì lượng vitamin C trong ổi tập trung chủ yếu ở phần vỏ. Vitamin C của ổi còn giúp kích hoạt sự sản xuất chất collagen, có ích cho cấu trúc của da, giúp duy trì lượng collagen trong da, giữ cho da luôn ổn định. Vitamin C trong trái ổi còn có tác dụng làm lành da, do có đặc tính chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng, bảo vệ da và cơ thể trước các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài.
Thêm vào đó, ổi chứa nhiều vitamin A, các vitamin nhóm B, vitamin C và potassium có tác dụng như chất chống ôxy hóa giúp da khỏe mạnh và hạn chế vết nhăn. Bạn có thể hưởng thụ những lợi ích này bằng cách ăn ổi hoặc rửa da bằng dịch sắc của trái ổi hoặc lá ổi (ổi non có tác dụng tốt hơn).
Ngừa cao huyết áp
Ổi còn giúp làm giảm cholesterol trong máu, ngăn ngừa quá trình làm máu trở nên đặc, vì vậy làm tăng tính linh động của máu, giúp máu thoát khỏi họa “kẹt xe” và lưu thông trong cơ thể một cách dễ dàng hơn. Những nghiên cứu y học cho thấy nếu cơ thể chúng ta tiêu thụ những loại thực phẩm không có chất xơ thì dễ bị “dính” chứng cao huyết áp, thực phẩm được tiêu thụ sẽ mau chóng chuyển thành đường. Do ổi có nhiều chất xơ, có chỉ số đường huyết (glycemic index) thấp nên cũng có tác dụng hạ huyết áp.
Quả ổi chứa chất hypoglycemic tự nhiên (bỏ vỏ) và giàu chất xơ. Ổi có tác dụng hạ huyết áp và cholesterol trong máu. Do đó, ổi rất có ích đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim và cao huyết áp.
Giảm cân và tăng cân hợp lý
Ổi chứa ít chất béo nên ăn ổi có thể giảm béo, giúp cơ thể thon gọn hơn. Đặc biệt trong trái ổi ruột đỏ (ổi đào) còn có chất lycopen nhiều hơn trong cà chua không chỉ có tác dụng chống những bệnh liên quan tới béo phì mà còn những bệnh khác như bênh tiểu đường cấp 1, giảm bớt nguy cơ bệnh tim mạch.
Ổi cũng có lợi ích trong việc giảm cân vì chứa nhiều chất xơ, vitamin và các khoáng chất. Điều này có nghĩa là những ai muốn giảm cân không phải lo lắng lượng chất dinh dưỡng hấp thụ vào cơ thể bị thiếu hụt khi ăn ổi. Ổi không có cholesterol và ít carbohydrates có thể mang lại cho bạn cảm giác no.
Có nghịch lý là ổi lại giúp tăng trọng cho những người có thân hình ốm yếu. Điều này được các nhà khoa học giải thích rằng các chất dinh dưỡng, protein, vitamin và khoáng chất có trong ổi sẽ giúp sự chuyển hóa xảy ra một cách đúng đắn, nhờ đó sự hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể sẽ diễn ra “ăn ý” hơn.
(Người muốn giảm cân nên ăn ổi trước khi ăn cơm, người muốn tăng cân nên ăn ổi sau các bữa ăn khoảng 30 phút.)
Là trái cây tốt cho người bệnh tiểu đường
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ, lá và quả ổi có khả năng giảm thiểu lượng đường gluco trong máu. Tuy nhiên, nếu ăn cả vỏ ổi sẽ không tốt cho lượng đường trong máu của bạn. Cách tốt nhất khi ăn ổi để điều trị bệnh tiểu đường là gọt bỏ vỏ.
Ổi giúp trung hòa và đào thải độc tố trong cơ thể
Vitamin C của ổi giúp kích hoạt sự sản xuất chất collgen, hoạt chất cần thiết giúp củng cố độ bền cho khớp xương sụn… Vitamin C còn giúp làm khoẻ các mạch máu, giảm thiểu sự ô nhiễm cho cơ thể từ môi trường xung quanh do xe cộ, động cơ… thải ra.
Phòng cảm lạnh
Một ly nước ép ổi tươi có thể giúp bạn giảm các triệu chứng cảm lạnh như giảm ho, tẩy đàm, thông đường hô hấp do trong ổi chứa nguồn vitamin C cao, các chất chống oxy hóa và điện giải…
Một số lưu ý khi ăn ổi
– Mặc dù quả ổi không độc những bạn không nên ăn ổi non vì còn nhiều vị chát sẽ có hại cho chị em bị bệnh dạ dày hoặc táo bón.
– Khi ăn ổi chín, bạn cũng nên bỏ hạt ổi vì hạt ổi khó tiêu, gây trở ngại cho hệ tiêu hóa.
– Những người bị suy nhược cơ thể nên sử dụng ổi dưới dạng xay nhuyễn hoặc ép thành nước thì sẽ hấp thụ được tốt hơn.